A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng Giáo dục Đào tạo chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Lạng Sơn

Trong năm học vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã triển khai đầy đủ hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong lĩnh vực công tác chuyển đổi số của các cấp như các văn bản chỉ đạo, đề án của Chính phủ, Bộ GDĐT, UBND tỉnh, Sở GDĐT và UBND thành phố. Đồng thời, phòng GDĐT xây dựng kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ công CNTT, chuyển đổi số trong toàn ngành. Tích cực phối hợp với các cơ quan Công an, ban ngành đoàn thể triển khai thực hiện Đề án 06 có hiệu quả.

Thực trạng công tác chuyển đổi số trong các nhà trường hiện nay

Những năm gần đây, các trường đã thực hiện chuyển đổi số được thể hiện qua việc sử dụng các phần mềm như: Phần mềm VNEdu, SMAS, Cơ sở dữ liệu ngành; phần mềm tập huấn bồi dưỡng thường xuyên của Bộ giáo dục , đánh giá công chức: ETEP, TEMIS; phần mềm cho kế toán tài chính: MISA, quản lý tài sản,  hỗ trợ kê khai thuế; giao dịch kho bạc, phần mềm quản lý thư viện, soạn thời khóa biểu bằng phần mềm TKB, phần mềm Ioffice để quản lý công văn đi, đến, …; Sử dụng Zalo, Facebook, SMS để chuyển tải, truyền đạt nội dung thông tin đến cán bộ giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh:,…. Các phần mềm đã được ứng dụng trong dạy học, kiểm tra đánh giá như: các phần mềm tạo và trình chiếu bài giảng điện tử, các phần mềm thí nghiệm ảo, phầm mềm chấm thi trắc nghiệm, các ứng dụng Google Form, Google trang tính,…  Ngoài ra, việc áp dụng chuyển đổi số đã góp phần thúc đẩy hoạt động “học tập suốt đời” cùng tài liệu trực tuyến.

Hội nghị triển khai thí điểm học bạ số tiểu học

Tuy nhiên, điều kiện thực hiện chuyển đổi số còn gặp một số khó khăn như: cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin chưa đảm bảo để thực hiện giảng dạy trực tuyến một cách có hiệu quả và phát huy được năng lực của người học. Một số nhà trường nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, hiệu quả của CĐS, chưa quan tâm bồi dưỡng năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thực hiện CĐS trong cán bộ giáo viên, nhân viên và đang coi đó vẫn là việc làm mang tính tự phát, chưa có sự kết nối, liên thông và chỉ dừng lại ở một số khía cạnh công việc của nhà trường, chưa mang tính tổng thể, đồng bộ.

Trang bị đầu tư cơ sở vật vật chất, trang thiết bị chuyển đổi số

Để nâng cao hiệu quả dạy và học, các trường đã được UBND thành phố, Sở GDĐT quan tâm đầu tư, trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng; đồng thời đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục góp phần đầu tư cơ sở vật chất, trang bị các thiết bị dạy học với tổng kinh phí là 2,6 tỷ đồng.

Xã hội hóa màn hình led ngoài trời tại trường THCS Vĩnh Trại

Những hiệu quả thiết thực chuyển đổi số mang lại

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, tuyên dương khen thưởng năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 của Sở Giáo dục và Đào tạo, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó trưởng phòng Giáo dục Đào tạo nêu những kết quả đã đạt được trong công tác triển khai chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số:

- Việc ứng dụng văn phòng điện tử iOffice được sử dụng thường xuyên, giảm thiểu đáng kể chi phí, thời gian. Công tác cải cách hành chính đạt được kết quả nhất định, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 78,6%, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến một phần đạt 21,4%. Trang bị được gần 1400 chứng thư số cho cán bộ quản lý và giáo viên; tập huấn cho 100% CBQL, giáo viên ứng dụng và sử dựng chữ ký số trong thực hiện ký văn bản, giáo án.

Tập huấn sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số

- Đối với CBQL, giáo viên, nhân viên: Giảm tải được hồ sơ sổ sách và tiết kiệm được nhiều thời gian, việc lưu trữ hồ sơ, văn bản dễ dàng và thuận lợi. CBQL rà soát, kiểm tra thông tin, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cuối năm học. Giáo viên và nhân viên sẽ nâng cao được chất lượng giáo dục và chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ; môi trường số phát triển giáo viên được thỏa sức sáng tạo, thiết kế, giảm tải được áp lực công việc, tiết kiệm được thời gian xây dựng giáo án, bài giảng điện tử, video clip….

- Đối với học sinh: được tiếp cận kiến thức trên Internet, các giờ học kết nối, học trực tuyến; các nhà trường đã tổ chức 236 giờ học kết nối với 8163 học sinh tham gia, học sinh khai thác 3162 tài liệu trên thư viện số, 1816 học sinh đăng ký học trực tuyến; có 1326 học sinh đạt giải các cuộc thi trên Internet, tham gia thi robotcom đạt 2 giải cấp quốc gia và 5 giải tại cuộc thi Robot trẻ Thanh thiếu niên quốc tế IYRC tại Hàn Quốc.

Giải nhì Cuộc thi Robot toàn quốc năm 2024

Đội thi Trường THCS Hoàng Văn Thụ nhận giải Grand (giải đặc biệt) hạng mục Creative Robot Design với Dự án mang tên Ngôi nhà thông minh trên Biển Đông tại Cuộc Thi Robot Trẻ Thanh Thiếu Niên Quốc Tế IYRC Hàn Quốc 2024

- Cha mẹ học sinh: được theo dõi quá trình học tập của con trên zalo nhóm lớp, trên fanpage của nhà trường, nắm bắt được kết quả đánh giá năng lực, nhận thức của con em.

- Triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học: 12/12 trường có lớp tiểu học trên địa bàn triển khai học bạ điện tử từ năm học 2021-2022 và thí điểm thực hiện học bạ số. Triển khai thí điểm mô hình thư viện số, thư viện điện tử từ năm học 2022-2023 tại 02 trường có lớp tiểu học, năm học 2023-2024 tiếp tục thực hiện tại 3 trường và thực hiện nhân rộng tại các trường có lớp tiểu học còn lại.

- Triển khai thu học phí và các loại hình dịch vụ không dùng tiền mặt: 30/30 trường công lập đã ký hợp đồng với công ty MISA để sử dụng phần mềm hỗ trợ công tác thanh toán không dùng tiền mặt; 30/30 trường công lập sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó 28 trường học sử dụng ngân hàng Agribank với số tiền giao dịch trên 55 tỉ đồng, 02 trường sử dụng ngân hàng TMCP Ngoại thương với số tiền giao dịch trên 3,7 tỉ đồng.

Cha mẹ dùng App để chuyển tiền học phí

Giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên, phụ huynh và học sinh về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng CNTT, CĐS. Thành lập tổ cốt cán CNTT, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, lựa chọn nội dung và tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên đề gắn với nhu cầu thực tiễn về triển khai ứng dụng CNTT và CĐS trong nhà trường.

- Yêu cầu các trường thực hiện trên nền tảng cơ sở dữ liệu ngành kết nối với hệ thống phần mềm quản trị nhà trường để triển khai sử dụng các sổ sách điện tử phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi đơn vị. Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung làm nền tảng xây dựng các phần mềm, công cụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục.

- Các trường xây dựng quy chế quản lý, duy trì và khai thác sử dụng các hệ thống CNTT, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai ứng dụng CNTT trong nhà trường. Phân công cụ thể trách nhiệm về quản lý, sử dụng hệ thống đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; có các hình thức khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt.

- Chỉ đạo các trường rà soát và có kế hoạch mua sắm, nâng cấp trang thiết bị triển khai ứng dụng CNTT, CĐS, dạy môn Tin học, dạy học trực tuyến và làm việc trực tuyến. Thúc đẩy công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy và học tập.

Định hướng công tác chuyển đổi số trong năm học tiếp theo

Các nhà trường cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho CBQL và giáo viên về vai trò của ứng dụng CNTT, CĐS trong các hoạt động GDĐT và các kết quả ứng dụng CNTT đã đạt được; triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia vào ngày 10 tháng 10 hàng năm.

Các trường có kế hoạch cụ thể về công tác chuyển đổi số, quan tâm nâng cao năng lực ứng dụng CNTT của cán bộ quản lý, giáo viên. Phối hợp có hiệu quả việc đầu tư với thuê dịch vụ CNTT. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai ứng dụng CNTT, CĐS và công tác thống kê trong giáo dục; tổ chức đánh giá, công bố chỉ số CĐS đối với cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tập trung rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị; Tích cực tham mưu đầu tư, xây dựng và bổ sung trang thiết bị cho một số cơ sở giáo dục còn hạn chế về diện tích và cơ sở vật chất; Tăng cường công tác xã hội hóa và tự chủ trong các cơ sở giáo dục, huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào xây dựng môi trường số phát triển có hiệu quả.

Nguồn tin: Liễu Thị Thưởng, Phó trưởng phòng GDĐT


Thông tin tuyên truyền

Thông tin tổng hợp

Liên kết website

Thống kê truy cập

Đang online: 2
Hôm nay: 262
Trong tháng: 8.337
Tất cả: 139.615